Ý hiện có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất châu Âu và nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Dịch bệnh Covid-19 đã xảy ra tại đây như một cơn khủng hoảng trầm trọng, số ca nhiễm tăng chóng mặt từ hàng trăm lên hàng ngàn chỉ trong vòng 2 tuần, đời sống kinh tế - xã hội bị đảo lộn và việc di chuyển quốc tế đã trở nên vô cùng khó khăn.
Ý cũng là quốc gia có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc khá đông đảo. Trước khủng hoảng dịch Covid-19 đã có rất nhiều người Việt mong muốn trở về nước, thế nhưng chỉ trước sau vài ngày, có người đã kịp về Việt Nam cùng gia đình, có người lại không thể lên máy bay do lệnh hạn chế nhập cảnh chặt chẽ từ nhiều vùng.
May mắn đã trở về Việt Nam, vui mừng vì được cách ly tại doanh trại quân đội
Nguyễn Hải (SN 1995, Hà Nội) là 1 du học sinh Việt Nam học tập tại Bergamo, một trong những "tâm dịch" căng thẳng nhất nước Ý. Hải cho biết cậu sang Ý theo đuổi chương trình học Thạc sĩ mới chỉ nửa năm, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh tại đây đáng lo ngại nên cậu đã quyết định về nước vào ngày 10/3 vừa qua.
Hải chia sẻ rằng mình về nước trên chuyến bay của Hãng hàng không Emirates Airlines, thời điểm cậu về nước việc mua vé và thủ tục xuất/ nhập cảnh chưa có gì khó khăn. Điều khó khăn nhất có lẽ chính là việc di chuyển và chờ đợi tại sân bay mà thôi.
"
Về cơ dịch công chứng bản thì mua vé máy bay hay xuất cảnh, nhập cảnh không có gì khó khăn cả, khó khăn phải là di chuyển lên được đến sân bay thế nào mà không bị lây nhiễm mới là đau đầu.
Mình bay Emirates, không thấy hãng yêu cầu thủ tục gì đợt đó. Nhưng mấy hôm sau nghe nói sau khi có lệnh phong toả cả nước thì có Thai Airways đi đầu trong việc yêu cầu phải có giấy chứng nhận sức khoẻ thì mới được bay " - Hải nói.
Nguyễn Hải là du học sinh Việt Nam tại Ý.
Hải chia sẻ, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Ý thì quả thực đời sống của người dân tại đây đã bị đảo lộn, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng đều được mua hết sạch tuy nhiên cũng được bổ sung vào thời gian ngắn sau đó.
"
Những ngày đầu của dịch thì đúng là rất khó khăn. Những thực phẩm thiết yếu như gạo, trứng, bánh mỳ, sữa, thịt thì hết sạch. Nhưng khoảng 5 ngày sau thì lương thực đã được trợ cấp kịp thời, đến trước ngày mình về thì chưa thấy xảy ra tình trạng thiếu lương thực.
Việc khám chữa bệnh ở Ý thì phụ thuộc vào loại bảo hiểm bạn dùng. Ví dụ như bạn mua bảo hiểm chính phủ, thì bạn sẽ có một bác sĩ riêng được chỉ định, tuy nhiên để được khám thì bạn cũng phải đặt lịch khá lâu. Còn như mình thì bảo hiểm của mình chỉ cover khi nào mình bị tai nạn thôi
" - Hải cho biết.
Còn đối với cộng đồng người Việt Nam tại Ý, ngay khi công bố dịch, mọi người đã cùng nhau trấn an và chia sẻ các thông tin. Đại sứ quán Việt Nam tại Ý cũng nhanh chóng hỗ trợ, giải đáp về thông tin cho mọi người và đưa ra các khuyến cáo cần thiết, phù hợp với tình hình.
Hải nói: " Đại sứ quán Việt Nam tại Ý từ những ngày đầu công bố dịch đã lấy hết contact của sinh viên các vùng, ngoài ra họ cũng hoạt động tích cực hơn trong việc truyền bá các thông tin liên quan đến Covid-19 trong hội sinh viên ở Ý ".
Căng tin tại trường của Hải. Theo cậu bạn chia sẻ, căng tin này thường thì lúc nào cũng full chỗ, nhưng vào đợt dịch thì gần như chả có mấy người đi ăn, nếu có cũng ngồi cách xa nhau.
Thực phẩm tại siêu thị được mua hết sạch.
Đến hiện tại, Hải đã về Việt Nam và tham gia cách ly tập trung theo quy định. Cậu bạn cách ly tại T rường quân sự Bắc Ninh và đối với cậu, đây quả thực là thời gian rất ý nghĩa, đáng nhớ.
" Những ngày cách ly vừa qua mình thấy biết ơn nhà nước rất nhiều khi bọn mình được chăm sóc kĩ càng đến từng vật dụng cá nhân nhỏ nhất, từng bữa ăn và sức khoẻ từng ngày. Ngoài ra thì mình cũng thấy vui vì có bạn bè ở cùng " - Hải chia sẻ.
Những hình ảnh do Hải chụp tại khu cách ly:
Có thể mua vé máy bay nhưng không được xuất cảnh
Cũng sinh sống tại Ý và mong muốn trở về Việt Nam giữa khủng hoảng dịch bệnh, một cô bạn khác (giấu tên) lại không may mắn như Nguyễn Hải. Cô bạn này chia sẻ mình có dấu hiệu của bệnh Covid-19 là ho và sốt nên vô cùng lo lắng, thời điểm hiện tại thực sự muốn về Việt Nam nhưng không thể lên máy bay do lệnh xuất nhập cảnh đã bị siết chặt đối với người từ Ý hoặc đi qua Ý.
Cô bạn nói: "
Tình hình sức khỏe của mình là ho và đau họng, có sốt nhẹ. Mình đến bệnh viện thì họ chỉ cho thuốc kháng sinh và thuốc giảm sốt, giảm đau về nhà tự cách ly. Giường bệnh bên này quá tải.
Mình mua được vé máy bay của các hãng bay quốc tế để về nước nhưng đến sân bay bị từ chối xuất cảnh v ì phải bay qua 1 nước khác quá cảnh ".
Hầu hết những chuyến bay từ Sân bay Malpensa (tỉnh Varese, Ý) đến TP.HCM đều bị huỷ do không được quá cảnh đến các sân bay tại Đức hay vùng khác thuộc Ý (hiển thị màu đỏ) - Ảnh: NVCC.
Hiện tại có thể bay từ Ý về Việt Nam hay không?
Hiện tại, không có chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Ý. Các chuyến bay giữa Việt Nam và Ý thường kéo dài khoảng 15-24 tiếng đồng hồ và quá cảnh tại một hoặc 2 điểm tuỳ thuộc vào hãng bay .
Đến nay Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam có chuyến bay từ Hà Nội/ TP.HCM đến châu Âu, nếu điểm đến của hành khách là Ý thì sẽ phải dừng chân tại Frankfurt (Đức) hoặc Paris (Pháp) để bay nối chuyến (trên một hãng hàng không khác).
Tuy nhiên từ ngày 15/3, Vietnam Airlines cho biết, nhằm ngăn chặn sự bùng phát, lây lan dịch bệnh Covid-19 vì sức khỏe cộng đồng, các chuyến bay của hãng từ Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) về Việt Nam sẽ không chuyên chở hành khách. Các chuyến bay khởi hành từ Việt Nam đi châu Âu vẫn được Hãng phục vụ bình thường để hành khách châu Âu trở về nước.
Như vậy, với quy định trên, người sinh sống tại Ý hiện tại đã không còn có thể từ Ý sang Đức hoặc Pháp để trở về Việt Nam trên máy bay của hãng Vietnam Airlines như trước đây.
Đối với thắc mắc về chuyến bay "cứu trợ" của Vietnam Airlines đến Ý đón công dân Việt Nam về nước, trao đổi với chúng tôi, Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết chưa có kế hoạch cho chuyến bay này.
Ảnh minh hoạ.
Ngoài Vietnam Airlines, có nhiều hãng bay quốc tế khác có chuyến bay từ Ý về Việt Nam, quá cảnh ít nhất tại 1 điểm (như Singapore, Hongkong, Istabun, Dubai,...). Tuy nhiên những chuyến bay này đều chịu ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế nhập cảnh từ các quốc gia/ vùng lãnh thổ mà mình hạ cánh.
Được biết, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng tại Ý, đặc biệt khi quốc gia này ban hành lệnh phong toả toàn quốc, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tạm ngừng nhập cảnh đối với người từ Ý hoặc đi qua Ý nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.
Như vậy, việc từ Ý về Việt Nam hiện tại đang rất khó khăn do quy định nghiêm ngặt từ nhiều nước. Trong trường hợp có thể về Việt Nam trên các chuyến bay, mọi công dân đều phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định trong 14 ngày.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ý khuyến cáo những gì?
Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ý đã hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ công dân Việt Nam. Trên website của mình , ĐSQ Việt Nam tại Ý khuyến nghị công dân Việt Nam tuân thủ các khuyến cáo của chính phủ Ý, quy định của chính quyền sở tại.
Trong đó, một số khuyến cáo đáng chú ý có thể kể đến như:
- SỐT VÀ CÁCH LY: Những người bị sốt trên 37,5 độ được khuyến khích chữa trị tại nhà và liên hệ với bác sĩ khi cần thiết. Hạn chế đến bệnh viện.
- DI CHUYỂN: Người dân chỉ có thể di chuyển trong thành phố mình sinh sống, nếu đi sang thành phố khác thì phải có chứng nhận được phép di chuyển vì một trong lý do sau: (1) yêu cầu công việc; (2) tình huống khẩn cấp; (3) lý do sức khỏe.
Bên cạnh những người Việt Nam có nguyện vọng về nước thì vẫn có rất nhiều người đã ở lại Ý với tâm trạng bình tĩnh hơn. Những khuyến cáo nêu trên từ chính quyền sở tại được mọi người thực hiện nghiêm túc.
Giang Nguyễn (26 tuổi, Hải Phòng) đã học tập tại Ý khoảng 1 năm. Trước tình hình tại "tâm dịch" lớn nhất châu Âu, Giang chia sẻ rằng mình lo lắng nhưng không hề bi quan. Cô bạn tin tưởng rằng nếu bản thân luôn có ý thức và chủ động phòng tránh dịch thì sẽ nguy cơ nhiễm bệnh sẽ giảm tối đa, ngoài ra nhà ga, sân bay mới là nguồn lây lan lớn nhất cần tránh.
" Ba mẹ ở nhà có nói mình về nước nhưng thật sự giờ ra nhà ga, sân bay mới là nơi đáng sợ. Tại nơi mình ở chính quyền phun thuốc khử trùng liên tục, mọi người cũng rất ít ra ngoài, động viên nhau phải vượt qua dịch. Bản thân mình luôn đeo khẩu trang và rửa tay mọi lúc mọi nơi. Chẳng ai mong nhiễm dịch cả, nhưng mình tin mọi chuyện sẽ được kiểm soát tốt, Vũ Hán là 1 ví dụ đó thôi " - Giang nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét